Phục hình răng sứ

Phục hình răng sứ

Công ty TNHH Nha Khoa Cống Quỳnh

Công ty TNHH Nha Khoa Cống Quỳnh

Công ty TNHH Nha Khoa Cống Quỳnh
Công ty TNHH Nha Khoa Cống Quỳnh
Công ty TNHH Nha Khoa Cống Quỳnh
Menu
RĂNG SỨ LÀ GÌ ?
RĂNG SỨ LÀ GÌ ?
Răng sứ là các phục hồi răng được làm bằng chất liệu sứ nhằm tái tạo lại tính thẩm mỹ cũng như chức năng của răng. Sứ là một loại vật liệu có khả năng sao chép được hầu hết đặc tính vẻ ngoài của răng thật.
 
TRƯỜNG HỢP NÀO NÊN BỌC RĂNG SỨ ?
Răng bị sâu răng phá hủy: điều trị trám răng thông thường không đảm bảo độ bền vững lâu dài cho miếng trám, mão răng là lựa chọn bảo vệ thân răng và tuỷ răng.
Răng gãy vỡ: thân răng do ăn nhai mạnh, chấn thương do tai nạn.
Răng đã được điều trị tủy (răng chết tủy): mô răng còn lại yếu hơn bình thường, làm mão răng giúp bảo vệ mô răng còn lại vững ổn lâu dài hơn. Răng chết tuỷ không được bọc mão răng có tỷ lệ lớn bị nứt vỡ và mất răng sau này.
Miếng trám răng lớn: khi răng có miếng trám quá lớn, cấu trúc răng còn lại yếu, có thể có sâu răng tái phát, mẻ vỡ miếng trám thì mão răng được lựa chọn để bảo vệ các mô răng còn lại thay vì trám mới để sửa chữa lại.
Răng bị nứt: khi bạn dùng lực lớn hoặc tai nạn dẫn đến có vết nứt trên răng, gây đau và ê buốt. Ăn nhai tiếp tục có thể khiến đường nứt lan rộng và dẫn đến vỡ răng. Một mão răng chụp lên trên sẽ giúp bảo vệ mô răng và giảm áp lực lên vùng nứt, có thể cần thời gian mang mão răng tạm để theo dõi mức độ có cần phải điều trị tủy răng hay không. Nếu vết nứt lan quá sâu xuống chân răng hoặc hay tét đôi răng thì mão răng cũng không giữ lại răng được. Vì vậy đi khám sớm khi vết nứt răng còn nông là điều kiện tiên quyết để có thể giữ được răng.
Mẻ vỡ múi răng: Các múi răng (phần nhô lên trên mặt nhai) là nơi chịu nhiều lực nhai nhất, thường mẻ vỡ do tai nạn, ăn cứng,...đặc biệt răng đã có miếng trám lớn. Khi bị mẻ múi thì khó có thể phục hồi trám được, thì mão răng sẽ được chỉ định.
Mòn răng: Nếu 1 người có thói quen nghiến răng hoặc siết chặt răng, thì răng họ sẽ bị ngắn đi dần. Răng cũng có thể bị mòn hoá học do các vấn đề về acid dạ dày (trào ngược), thói quen ăn uống chứa nhiều acid,...Khi men răng mòn hết và để lộ phần ngà răng mềm thì răng trở nên rất ê buốt, đôi khi làm viêm tủy, chết tủy răng. Theo thời gian những người này mòn nhiều răng và khớp cắn bị sụp xuống, tầng mặt dưới trở nên ngắn và khuôn mặt trông già hơn. Các phục hồi mão răng sứ thường được chỉ định cho các trường hợp này, đặc biệt để nâng cao khớp cắn và tái lập toàn hàm.
Răng có màu sắc hay hình dạng bất thường: điều này gây mất thẩm mỹ, mão răng giúp điều chỉnh đem lại thẩm mỹ cho nụ cười tự tin của bạn.
 
CÓ BAO NHIÊU LOẠI RĂNG SỨ ?
Theo phân loại thành phần cấu tạo có 4 loại răng sứ thông dụng nhất hiện nay gồm:
1/ Răng sứ-kim loại (Porcelain Fused-to-Metal)
Là loại răng sứ được sử dụng rộng rãi từ rất lâu, là sự kết hợp của lớp sườn kim loại nằm bên trong, và lớp sứ thẫm mỹ phủ lên bên ngoài. Răng sứ - kim loại cung cấp cả hai tính chất: độ cứng của kim loại và độ thẩm mỹ của sứ.
Các kim loại được sử dụng làm sườn có thể chia thành:
Kim loại thông thường: Niken, Crom, Molybden…
Kim loại bán quý: Titan, Coban, Copper, Silver...
Kim loại quý: Vàng, Palladium, Platinum...
Trong đó có vài loại hợp kim được sử dụng nhiều nhất trong nha khoa với độ quý tăng dần : Niken-Crom, Titanium, Crom-Coban, Vàng-Palladium. Trong đó các hợp kim càng quý hiếm thì độ cứng, độ bền uốn càng tăng, khả năng gây dị ứng và đen viền nướu càng giảm. Các hợp kim vàng cho thấy tương hợp sinh học tuyệt vời và độ bền lên đến 20-30 năm.
Ưu điểm:
Mang lại cả độ bền và thẩm mỹ cho răng
Độ bền và thời gian sử dụng 10 năm và hơn nữa nếu được thực hiện đúng
Chi phí thấp hơn mão zirconia và mão toàn sứ (ngoại trừ mão sứ kim loại quý là đắt nhất trong các loại răng sứ)
Lựa chọn tốt cho các mão răng vùng răng sau và cầu răng dài vì khả năng chịu lực và độ bền uốn của kim loại.
Nhược điểm:
Có thể tạo thành viền đen quanh nướu nếu sử dụng hợp kim có chứa Niken và một số loại khác
Thẩm mỹ không hoàn toàn 100% như răng thật, có phần thua kém so với mão toàn sứ.
Với những ai nghiến răng và hay siết răng, có thể gây mòn nhanh lớp sứ bên trên. Mặc dù nó giúp răng thật đối điện do vậy mà ít bị mòn.
 
2/ Răng sứ toàn sứ (All Porcelain) & Zirconia đắp sứ (Zirconia Layered)
Răng sứ toàn sứ được gọi là răng sứ không kim loại, là loại răng sứ ngày càng sử dụng rộng rãi vì nhiều lợi ích mang lại. Về mặt lịch sử, khi mão răng toàn sứ đầu tiên chỉ có 1 lớp sứ đắp (porcelain) hoàn toàn thì chỉ định còn khá hạn chế do không sử dụng được ở vùng răng hàm (độ cứng thấp). 
Ngày nay với sự ra đời của vật liệu sứ oxit (Ceramic) cứng như zirconia, alumina,...thì lớp sườn bên trong của mão toàn sứ được cắt ra (CAD/CAM) từ các khối vật liệu này. Khi kết hợp sứ đắp thẫm mỹ phủ bên ngoài, mão toàn sứ vừa đạt được tính thẩm mỹ rất cao mà còn có độ bền tốt.
Ưu điểm:
Đem đến thẩm mỹ và vẻ tự nhiên rất cao cho răng, hầu như sao chép được hình dạng, màu sắc và nét riêng của răng.
Lựa chọn tốt cho các răng phía trước
Tương hợp sinh học: không có kim loại nên không có dị ứng, không có độc tố khác (toxic-free)
Nhược điểm:
Độ bền có thể thấp hơn chút so với sứ-kim loại, nhất là cầu răng dài và răng cối lớn, 
Người nghiến răng, lực nhai mạnh, hay siết chặt răng,... nên lựa chọn loại khác để đảm bảo độ bền
Giá thành cao hơn sứ-kim loại thông thường
 
3/ Răng sứ Zirconia Nguyên Khối (monolithic zirconia)
Về bản chất thì răng sứ Zirconia Nguyên Khối có thể xếp cùng với răng sứ toàn sứ, nhưng về tính chất thì có nhiều sự khác biệt. Zirconia là là một sứ oxit (ceramic) của nguyên tố kim loại Zirconium, có đặc tính cứng hơn sứ (porcelain) thông thường rất nhiều. Zirconia kết hợp được độ cứng chắc của kim loại và độ thẩm mỹ của sứ. Khuyết điểm của zirconia là màu sắc có độ đục và độ trong (xuyên sáng) thấp, nhưng đã được khắc phục phần nào với các thế hệ zirconia mới có độ xuyên sáng cao (zirconia high translucent).
* Câu hỏi là có bao nhiêu loại sứ zirconia? vì có quá nhiều dòng sứ cùng là zirconia trên thị trường hiện nay
Thực tế chỉ có hai loại zirconia: Zirconia Cứng (solid zirconia) và Zirconia Trong Mờ Cao (high translucent zirconia). Cả hai đều phải sử dụng công nghệ cắt bằng máy tính trên khối sứ thô gọi là CAD/CAM (Computer Aided Designing/ Computer Aided Manufacturing).
Zirconia Cứng: rất cứng và độ đục cao, thường có màu trắng. Nó được sử dụng chính để thực hiện sườn cho cầu/ mão dạng zirconia đắp sứ, hoặc zirconia nguyên khối cho các răng hàm phía sau.
Zirconia Độ Trong Mờ Cao: thẩm mỹ và độ cứng tương đối. Nó được sử dụng làm mão răng zirconia nguyên khối tất cả các răng, cầu răng ngắn, hoặc kết hợp với sứ đắp nếu yêu cầu thẩm mỹ rất cao.
* Tại sao có rất nhiều dòng sứ zirconia hoặc toàn sứ trên thị trường?
Đó là vì chúng chỉ là các tên thương hiệu của dòng zirconia do các công ty lớn khác nhau trên thế giới sản xuất. Chúng có gì khác nhau? Về cơ bản chúng vẫn là zirconia, nhưng do công nghệ và nghiên cứu của các công ty có sự khác biệt nên chất lượng zirconia có sự chênh lệch nhau. Nhưng sự chênh lệch này không quá nhiều đối với các hãng được FDA cấp phép sử dụng tại Mỹ. Mỗi hãng cũng phân loại sản phẩm thành : zirconia thông thường và zirconia cao cấp hoặc thế hệ mới.
Ngoại trừ các dòng zirconia sao chép nguồn gốc các công ty tại Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan,…có chất lượng không ổn định thì ít được các Bác sĩ tốt tin dùng cho bệnh nhân. Mặc dù giá thành của nó rất rẻ, thấp hơn vài lần so với hàng chính hãng, thậm chí có giá thành bằng các răng sứ kim loại.
Ưu điểm:
Bền vững và hiếm khi mẻ sứ, độ cứng rất cao
Thẩm mỹ cao và ngày càng được cải thiện
Có thể thực hiện nhanh ngay tại nha khoa có hệ thống một lần hẹn trong vài giờ, không cần phải gởi labo.
Không có kim loại, đồng nghĩa không gây dị ứng và độc tố có thể có
Zirconia hầu như không mòn khi ăn nhai với răng trong miệng
Nhược điểm:
Răng đối diện có thể bị mòn nhanh hơn, nhất là răng đã bị mòn và tổn thương
Zirconia nguyên khối khó chế tác và chỉnh sửa, vì nó được cắt tiện từ khối sứ, thay vì đắp lên như các răng sứ toàn sứ. Do đó yêu cầu kỹ thuật rất cao của Bác sĩ và Kỹ thuật viên mới đạt được tiêu chuẩn về khớp cắn lẫn thẩm mỹ.
Cầu răng dài Zirconia dễ bị gãy hơn cầu răng sứ kim loại, nguyên nhân chính là độ bền uốn thấp.
 
4/ Răng sứ Sứ Thuỷ Tinh (Lithium Disilicate) 
Một loại vật liệu răng sứ khá mới đang được sử dụng ngày càng phổ biến là Sứ Thuỷ Tinh (Lithium Disilicate) với tên thương mại hay gặp nhất là sứ Emax. Sứ thuỷ tinh có đặc tính độ trong suốt cao, màu sắc và thẩm mỹ có thể sao chép khớp đến 100% nét tự nhiên của răng thật. Độ cứng trung bình của sứ thuỷ tinh bảo vệ men răng đối diện khỏi sự mòn răng. Khả năng dán dính rất cao của nó vào mô răng là khác biệt chính và là ưu điểm để thực hiện các phục hồi dán sứ: Veneer, Inlay/Onlay, Table-top,....Vậy khi nó được sử dụng làm mão răng sứ thì sao?
Ưu điểm:
Thẩm mỹ tối ưu nhất, đặc biệt các răng vùng răng trước (răng cửa, răng nanh…)
Độ bền tốt nếu được thực hiện và dán dính đúng kỹ thuật
Lựa chọn tốt cho mão răng đơn lẻ cả ở vùng răng trước và sau
Bảo vệ răng đối diện khỏi sự mòn răng do mão răng
Nhược điểm:
Ít được lựa chọn cho các phục hình cầu dài (hơn 3 đơn vị), vì khả năng gãy do độ bền uốn.
Nhạy cảm về kỹ thuật, yêu cầu độ chính xác và kỹ thuật dán dính tốt từ Bác sĩ.
Chi phí cao, có thể cao hơn Zirconia và toàn sứ do độ khó của kỹ thuật
Khả năng mẻ vỡ ở vùng răng sau, đặc biệt có nghiến răng và lực nhai lớn
 
QUY TRÌNH CÁC BƯỚC THỰC HIỆN RĂNG SỨ
1/ Bác sĩ sẽ khám và chụp phim, lên kế hoạch điều trị răng sứ và các điều trị cần thiết khác . Có thể bạn cần lấy dấu ban đầu trước để làm răng tạm, lưu giữ hình dạng khớp cắn cũ.
2/ Bác sĩ gây tê tại chỗ răng cần làm răng sứ, đặt các sợi chỉ tách nướu để bảo vệ tránh làm tổn thương khi mài răng.
3/ Bác sĩ tiến hành mài sửa soạn răng theo hình dạng đủ cho răng sứ (tuỳ loại vật liệu). Đôi khi răng cần phải trám phục hồi trong khi sửa soạn để tạo hình dạng cùi răng đủ độ cao, lưu giữ trong khi sửa soạn cùi răng.
4/ Bác sĩ thực hiện lấy dấu cùi răng và các răng khác, lấy dấu cắn khớp, so màu răng và các thông số khác để chuyển cho Labo Nha khoa
5/ Bác sĩ thực hiện răng tạm lên trên cùi răng nhằm bảo vệ răng trong thời gian chờ răng sứ sau cùng. Răng tạm thường được làm bằng nhựa hoặc composite, gắn bằng xi măng gắn tạm có thể tháo ra dễ dàng trong lần hẹn sau.
6/ Labo nha khoa thực hiện răng sứ trong ngày hay lâu hơn tùy chất liệu và số lượng răng và gửi lại cho Bác sĩ.
7/ Bác sĩ thử răng sứ trên cùi răng, kiểm tra độ khít sát, màu sắc, hình dáng so với các răng xung quanh  và nhiều yếu tố khác.
8/ Nếu đạt tiêu chuẩn, Bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch cùi răng, sửa soạn bề mặt và tiến hành gắn bằng xi măng chuyên dụng. Có khá nhiều loại xi măng gắn và hệ thống dán khác nhau, phù hợp mỗi loại vật liệu răng sứ và tình trạng răng.
9/ Bác sĩ kiểm tra lại khớp cắn với răng đối diện khi cắn lại và nghiến thực hiện ăn nhai, điều chỉnh nếu cần và đánh bóng phù hợp.
 
CẦN BAO NHIÊU LẦN HẸN ĐỂ THỰC HIỆN RĂNG SỨ?
Lần hẹn 1:
Bác sĩ sẽ khám và chụp phim, lên kế hoạch điều trị răng sứ và các điều trị cần thiết khác . Có thể bạn cần lấy dấu ban đầu trước để làm răng tạm, lưu giữ hình dạng khớp cắn cũ.
Lần hẹn 2:
Bác sĩ gây tê tại chỗ răng cần làm răng sứ, tiến hành mài sửa soạn răng theo hình dạng đủ cho răng sứ và lấy dấu cùi răng và các răng khác, lấy dấu cắn khớp, so màu răng và các thông số khác để chuyển cho Labo.
Bác sĩ thực hiện răng tạm lên trên cùi răng nhằm bảo vệ răng trong thời gian chờ răng sứ sau cùng.
Lần hẹn 3:
Bác sĩ thử răng sứ trên cùi răng, kiểm tra độ khít sát, màu sắc, hình dáng so với các răng xung quanh  và nhiều yếu tố khác.
Nếu đạt tiêu chuẩn, Bác sĩ sẽ tiến hành làm sạch cùi răng, sửa soạn bề mặt, tiến hành gắn bằng xi măng chuyên dụng và kiểm tra lại khớp cắn với răng đối diện khi cắn lại và nghiến thực hiện ăn nhai, điều chỉnh nếu cần.
BS CK2 NGÔ VĨNH PHÚC

Tin tức khác

backtop